[ad_1]
Phần lớn bệnh viện thực hiện xã hội hóa chủ yếu đầu tư máy móc xét nghiệm hiện đại để chỉ định xét nghiệm quá mức và thu phí dịch vụ cao.
Xã hội hóa trong lĩnh vực y tế được đánh giá là một trong những hoạt động hiệu quả, giúp người dân được hưởng những dịch vụ chất lượng tốt hơn. Tuy nhiên thời gian qua hoạt động này vẫn còn nhiều bất cập với rất nhiều hình thức liên kết, xã hội hóa.
Phát biểu tại hội nghị đẩy mạnh xã hội hóa và kết hợp công tư trong lĩnh vực y tế diễn ra tại Hà Nội ngày 16/9, ông Phạm Thế Thảo, Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho rằng xã hội hóa y tế đang không quy hoạch rõ ràng, tập trung tại một số khu vực thành phố lớn. Các dịch vụ có khả năng thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận thì được tập trung xã hội hóa. Thống kê của cơ quan bảo hiểm cho thấy, đa phần các bệnh viện xã hội hóa tập trung vào liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 80%.
![]() |
Phần lớn các bệnh viện thực hiện xã hội hóa bằng hình thức liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hìn ảnh. Ảnh minh họa: N.Phương. |
Bên cạnh đó, việc quản lý chất lượng các dịch vụ xã hội hóa cũng chưa được thường xuyên. Ví dụ kỹ thuật chụp CT hiện nay được bảo hiểm thanh toán 500.000 đồng, có nơi lắp máy tốt thì không đủ thu, có nơi chỉ lắp máy Trung Quốc mấy trăm triệu thì có lời. Tình trạng không kiểm soát được chất lượng của các máy này khiến các bệnh viện không công nhận kết quả của nhau, người bệnh phải làm lại. Vì thế cần kiểm định định kỳ chất lượng của các máy này.
Tỷ lệ lắp đặt máy xã hội hóa đúng quy định của Bộ Y tế còn hạn chế. Trong số gần 2.000 máy xã hội hóa của cả nước thì 38% không có đề án, bệnh viện tự lắp đặt rồi thông báo bảo hiểm thanh toán. Với các máy cho thuê mượn thì cũng đến hơn 60% không có đề án. Vì thế có một số kỹ thuật chưa được phê duyệt làm tại Việt Nam, tại bệnh viện nhưng vẫn được làm, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng.
Cũng theo ông Thảo, vẫn còn hiện tượng một số bệnh viện chỉ định xét nghiệm, chẩn đoán quá mức các máy xã hội hóa. Gần đây cơ quan bảo hiểm phát hiện Quảng Ninh bội chi khá nhiều. Riêng Bệnh viện Uông Bí, Bãi Cháy chi phí cho xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh chiếm đến 30-40%, bình quân của nước chỉ trên 20%.
“Giá dịch vụ y tế các bệnh viện tự xây dựng, nhiều khu vực không kiểm soát giá, thu chênh lệch với bảo hiểm y tế quá lớn. Có bệnh viện tại TP HCM chạy thận nhân tạo giá 250.000 đồng thu thêm 200.000 đồng; nay điều chỉnh giá lên 460.000 đồng tính giá gần sát thực tế mà người bệnh vẫn bị thu thêm 200.000. Đây là cái khó trong việc đảm bảo quyền lợi người bệnh”, ông Thảo nói.
Phó tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đề xuất cần tăng cường quản lý Nhà nước từ quy hoạch lắp đặt đến chất lượng, giá cả. Các bệnh viện được tự định giá các dịch vụ nhưng cơ quan quản lý phải kiểm soát giá vậy có phù hợp không. Đồng thời phải có kiểm định chất lượng định kỳ các máy móc này. Các nơi lắp đặt trả tiền kiểm định để đánh giá chất lượng như thế sẽ xóa bỏ tình trạng không chấp nhận kết quả của nhau.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội bày tỏ băn khoăn về giá dịch vụ do các bệnh viện thu khi thực hiện xã hội hóa. Có nơi đầu tư hàng trăm tỷ nhưng thu giá gấp 3-4 lần bảo hiểm y tế. Vì thế, ông đề nghị Bộ Y tế cần có cơ chế cho những bệnh viện chủ chốt như Bạch Mai, Việt Đức, theo hướng bệnh viện có xã hội hóa thì dùng tiền quỹ bảo hiểm y tế mua lại nợ, để bệnh viện thu phí dịch vụ bằng giá bảo hiểm y tế thì người dân sẽ được hưởng lợi.
Thúc đẩy đầu tư phát triển cơ sở khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu khám và điều trị của người dân là mục tiêu quan trọng đã được Bộ Y tế đặt ra từ nhiều năm qua. Để hiện thực hóa vấn đề trên, Bộ đã và đang tập trung kết hợp nhiều giải pháp về cơ chế, chính sách tài chính y tế.
Theo Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu. Tỷ lệ giường bệnh còn thấp, hiện mới đạt 24 giường bệnh trên 100.000 dân trong khi theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế phải là 39 giường cho 100.000 dân. Hầu hết các bệnh viện đều có công suất sử dụng giường bệnh cao do chưa được mở rộng từ năm 1975 đến nay. Số giường bệnh nhiều chuyên khoa như tim mạch, ung bướu, chấn thương, sản nhi… còn thấp so với nhu cầu và cơ cấu bệnh tật. Cơ sở vật chất y tế tuyến cơ sở xuống cấp, trang thiết bị y tế thiếu, lạc hậu, không đồng bộ, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ y tế.
Vì thế, trong điều kiện nguồn vốn từ ngân sách nhà nước hạn chế, nợ công tăng cao; giải pháp huy động các nguồn lực từ xã hội để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, hợp tác về quản lý, nâng cao chất lượng y tế đang được kỳ vọng sẽ mang lại những hiệu quả khả quan.
Nam Phương
Nguồn: vnexpress.net