[ad_1]
Được giới thiệu lần đầu tiên trong họp báo của Ubisoft tại E3 vừa qua, For Honor được coi là một trong những bất ngờ lớn nhất đến từ “gã nhà giàu” nước Pháp này. Chi tiết về phần chơi Single Player cho đến nay vẫn chưa được tiết lộ. Tuy nhiên, đoạn demo game giới thiệu nội dung phần chơi Multiplayer 4 vs 4 khiến những người thử qua phải ngạc nhiên vì chất lượng của nó. Đem những trận chiến “xáp lá cà” nổi tiếng thời Trung Cổ vào thế giới game, For Honor tái hiện tương đối sinh động tính tàn bạo, ác liệt thời ấy, những tràng vỗ tay của người xem ngay sau đó như là một lời khẳng định rằng, niềm tin dành cho Ubisoft vẫn còn đó sau chuỗi ngày dài thả toàn “bom xịt”.
Nhìn chung, For Honor là game hack-n-slash kết hợp giữa góc nhìn thứ nhất và góc nhìn thứ ba, khiến người chơi gợi nhớ nhiều đến series Dynasty Warriors nổi tiếng của Tecmo Koei. Bản demo game xoay quanh chế độ 4 vs 4 mang tên Dominion, nhiệm vụ của người chơi là bảo vệ và chiếm giữ ba vị trí khác nhau bên trong tòa pháo đài. Không chỉ giới hạn 8 người chơi, màn chơi trong Dominion còn tung vào chiến trường một loạt chiến binh AI để tăng tính thử thách. Việc chiếm được vị trí sẽ cộng vào điểm chung cho cả nhóm và nếu nhóm nào đạt được 1.000 điểm trước sẽ dành chiến thắng, nếu như để mất vị trí, một số điểm nhất định sẽ bị trừ đi, chính vì thế, mỗi trận đánh trong For Honor đều kéo dài và khá căng thẳng do cả hai đội phải chạy đua điểm số với nhau.
Trong game có ba phe: Legions (hiệp sĩ), Chosen (Samurai) và Warborn (Viking), bản demo game hiện nay mới chỉ cho phép người chơi lựa chọn lớp nhân vật Warden, một phần của phe Legions. Trước hết, để làm quen với hệ thống điều khiển của game, người chơi sẽ trải qua một màn tập luyện khá ngắn. Chủ yếu các kỹ thuật cần thiết bao gồm giữ nút L2 trong khi bấm các nút hành động khác để né tránh, đỡ đòn hoặc tấn công mạnh/nhẹ. Không như nhiều game khác, theo đoạn chơi thử trên PS4, hệ thống điều khiển từ đánh nhau đến đỡ đòn của For Honor sẽ dựa vào cần analog phải trên tay cầm để thao tác. Game thủ sẽ có tổng cộng 3 hướng chính để tấn công cũng như phòng thủ, đó là: trái, phải và phía trên đầu. Do vậy, thành hay bại sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khả năng phán đoán trong từng hành động.
Với từng động tác chuẩn xác đến không tưởng, các đòn đánh của nhân vật thực sự uyển chuyển cũng như đem đến cảm giác tương tác đến mức siêu thực giữa các nhân vật. Chỉ với một tác động nhỏ từ đối thủ, nhân vật có thể bị lệch đường kiếm hay tấn công hụt, các động tác né đòn, đỡ đòn cũng khiến cho người chơi có được cảm giác cực kì chân thực.
Sau màn tập luyện ngắn ngủi, người chơi có thể chính thức bước chân vào trận chiến, cảm giác lúc này sẽ rất khác so với lúc tập luyện, vì thế chuyện luống cuống đến mức quên mất cách di chuyển hay tấn công khó có thể tránh khỏi, ban đầu số lượng kill/death thấp hơn 1 không có gì là ngạc nhiên. Tuy vậy, đội nào có thể giành được 1.000 điểm trước sẽ có ưu thế tốt hơn vì đội đó có thể hồi sinh được cho các nhân vật đã bị tiêu diệt, một lợi thế quá áp đảo trong các nhiệm vụ mang tính chiếm giữ, bảo vệ như thế này.
Tính chất ác liệt của For Honor còn thể hiện ở chỗ không chỉ bó buộc vào cuộc chơi “1 đấu 1″ mà còn mở rộng ra tùy theo tình hình, có khi là “2 đấu 2″, “1 đấu 2″ thậm chí là “1 đấu 3″. Lúc này người chơi sẽ cảm nhận rõ sự “thất thế” và chỉ có khả năng phán đoán cùng phản xạ nhanh nhạy mới là “cứu tinh” của mình.
Một điểm thú vị của For Honor được nhà phát triển tiết lộ trong thời gian gần đây, đó là sự khác biệt giữa ba phe Legions, Chosen và Warborn. Nếu như Chosen với đại diện là các samurai sở hữu thân pháp nhanh nhẹn cùng kĩ năng sử dụng kiếm điêu luyện nhất, song lại yếu thế trong phòng thủ thì phe Warborn của Viking lại thiên về sức mạnh cơ bắp, sử dụng vũ khí tầm gần. Trong khi đó Legions với các hiệp sĩ châu Âu thời trung cổ lại khá cân bằng, với giáp dày hỗ trợ phòng thủ và trường kiếm tăng khả năng tấn công.
Có thể nói For Honor là một game thú vị, hơn nhiều so với những gì game thủ có thể tưởng tượng ra sau một loạt cú “phốt” chất lượng bom tấn như Watch Dogs hay Assassin’s Creed: Unity. Được coi là một trong những bất ngờ thú vị nhất tại E3 năm nay, For Honor nhanh chóng tạo nên một cơn sốt thực sự với những cuộc tranh cãi bất tận liên quan tới khả năng cũng như trang bị thực sự của Samurai, Knight và Viking. Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng đây sẽ là một bom tấn đúng nghĩa của Ubisoft khi ra mắt.
Là thương hiệu “mới toanh”, không dễ để For Honor chứng tỏ mình khi những thất bại như The Crew, Watch Dogs vẫn còn đang nhức nhối. Hy vọng, với kinh nghiệm “trận mạc” và bề dày “thành tích tốt”, Ubisoft sẽ có thể gỡ gạt lại niềm tin đã “đánh mất” từ người hâm mộ. Ít nhất, lợi thế không phát hành vào năm sau – 2016 sẽ giúp For Honor có đủ thời gian để mài dũa và trở thành một game hay, xứng đáng với những gì mà game thủ kỳ vọng.
Nguyễn Hào
Nguồn: gamethu.net